Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

KIẾM 1.000 TỶ GIẢM 5 NĂM TÙ

Một lần đi nhậu, thằng em cầm lý lên mời, nói, hết đi anh, bia chứ có phải toán, lý, hóa chi đâu mà anh sợ. Hehe.

Thực ra tui xuất thân từ dân chuyên toán, nhưng không hiểu sao càng ngày càng dốt toán. Bằng cớ là đọc vụ án Huyền Như lấy 4.000 tỷ đồng tui thấy rối tung rối mù. Mình làm ra đồng bạc chảy máu mắt, chị ấy lấy tiền tỷ như thò tay vào ví lấy thỏi son. Rốt cục đặt tờ báo xuống, cảm thán: Tài thật, tài thật, tiên sư chị Huyền Như!

Đọc vụ xử ông Nguyễn Đức Kiên, thấy ổng nói trước tòa, nhớ vanh vách từng số liệu, từng điều khoản luật, nghị định, quy định (ông này kinh doanh đủ cách, kiếm tiền như bơm nước dưới sông)…trong lúc quan tòa quan viện ấp a ấp úng, rốt cục đặt tờ báo xuống , vỗ đùi: Tài thật, tài thật, tiên sư Gã Đầu Bạc!

Rốt cục mới luận ra, toán mình không hẳn dốt nhưng dốt tính. Vì thế nên có từ tính toán. Người xưa không gọi làm toán mà gọi là làm tính là vậy.


Mình có quyền, mình sẽ cho làm một trại giam đặc biệt cho những người này ở (kiểu như Z30D ngày trước), cho họ kết nối thông tin toàn cầu, chỉ có nhiệm vụ ngồi nghiên cứu phương án kinh doanh kiếm tiền nghìn tỉ, từ đó để hoàn thiện luật vì mình rất dị ứng với hai từ “lách luật”. Ai làm được một dự ản kiếm 1.000 tỷ thì giảm 5 năm tù, 4.000 tỷ thì giảm 20 năm, cứ thế, ai thông minh thì ra trước, ít thông minh hơn thì ra sau chút. Cho họ về sớm họ còn kiếm tiền trả nợ chứ vụ nào cũng xử phải bồi hoàn chừng này chừng nọ mà nhốt họ trong tù họ lấy chi bồi?

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Thời tôi đi học

 I.
Tôi lên cấp 3, học lớp 8 (hệ 10 năm), năm 14 tuổi.
Thầy Hia chủ nhiệm lớp tôi là người Nghệ Tĩnh, đi học Đại học sư phạm Thanh Hoa (TQ) về, làm chủ nhiệm. Người thầy thấp, đen, môi thâm, nói rít qua kẽ răng. Bất kỳ trời nắng hay trời mưa, thầy đều mặc áo sơ mi, ngoài khoác comple, cái cổ chiếc comple như bị là cháy. Miệng thầy như cái bát nhang, lúc nào cũng bốc khói.
Lần đầu tiên thầy đi xe đạp đến nhà, hỏi mạ tôi, đây có phải là nhà thằng (thầy gọi tôi bằng thằng) Thịnh không? Mạ tôi chưa kịp gật đầu thầy đã tiếp, nghe nói hắn là thằng học được nhưng rất tự phụ, tư tưởng tiểu tư sản...Nghe nói ba hắn làm to phải không?
Mạ tôi tưởng thầy là công an, nhưng tính bà vẫn thế, không sợ bất cứ ai, thầy nói chưa xong bà đã lấy cái chổi đánh con chó, vừa mắng “cái con chó ni hỗn, tránh ra”. Nói xong bà quẫy gánh đi gánh nước rồi đi luôn.
Thầy Hia ngồi trên chiêc võng cho đến trưa, chờ tôi đi làm đồng về thì nói, tôi là Hia, chủ nhiệm lớp cậu, mấy thầy chỉ định cậu làm lớp trưởng nhưng cảnh báo cậu là thằng tự phụ, tư tưởng tiểu tư sản nên tôi chưa đồng ý. Tạm thời cậu thông báo cho các bạn đi lao động ở phá Hạc Hải 10 ngày, mang theo cơm gạo, mang theo thứ này thứ này...đi không ai được về giữa chừng. Nói xong thì lên xe đạp đi.
Tối về, mạ tôi kể lại chuyện đánh con chó, tôi hoảng hồn nói chết con rồi mạ ơi, thầy chủ nhiệm con đó. Mạ tôi trợn mắt, chủ nhiệm thì răng, thầy bà chi...vô học.
Nghe mạ tôi hạ xong câu vô học, tôi bật khóc òa lên.
*
Tụi tôi về phá Hạc Hải, ngồi trên thuyền chờ ở cống Nậy thì thầy đạp xe trên đường đê đến, chỉ thửa ruộng lớp phải cày rồi bảo làm đi.
Đó là một thửa ruộng hoang đầy năn, dân không ai làm, trường tôi mới xin để lao động tự túc lương thực. Tôi nhảy xuống trước, nước ngập tận cổ, lạnh thấu xương. Mấy đứa lần lượt nhảy xuống.
Con Dừng người Mai Thủy to nhất lớp xắn quần tận bẹn, cái đùi trắng phau, vừa xuống nước đã có mấy con đĩa lậu (đĩa to, già, đói) lao đến. Dừng ta rú thất thanh, nhảy vội lên thuyền. Thầy Hia thấy thế chỉ thẳng mặt: Xuống, cô không nhảy xuống tôi vứt cổ cô xuống bây giờ. Con Dừng sợ quá nhảy ào xuống. Sau này hắn thú nhận lúc đó hắn thấy đủng quần mình âm ấm.
Mấy chục đứa bu quanh chiếc thuyền, đẩy đi. Thằng Thành to con điều khiển cái cày. Ở quê tôi làm thế gọi là cày đò (cày bằng thuyền-thuyền thay con trâu kéo cày ở chỗ nước sâu trâu không đi được).
Trời tháng 11 (hồi đó học không kể thời gian, cứ xong lớp này đến lớp khác), gió mùa đông bắc rét căm căm, tôi thì gầy đét, lạnh thấu xương, không chịu nổi nhảy lên bờ.
Thầy Hia đi tới, cầm cây gậy dí vào mặt tôi: Rõ là dân tiểu tư sản, nhảy xuống!
Hai hàm răng tôi đang đánh vào nhau cầm cập, nghĩ nếu xuống một lúc sẽ đông máu mà chết, nhưng nhìn cái gậy và bản mặt tái đen của thầy Hia sợ quá, đứng dậy định nhảy xuống, vừa lúc mấy đứa la to: Có người chết, có người chết...
Tiếng la làm tôi lao nhanh xuống nước, băng đến chỗ bọn đẩy thuyền kéo cày thay trâu, thấy con Sá tay chân co quắp, cứng đờ. Tôi quát bỏ cày ra, đẩy thuyền vào bờ, đốt lửa lên...
Lúc đó mới biết không ai có bật lửa. tôi bảo thằng Thành đến chỗ thầy Hia, thầy đang hút thuốc, thế nào cũng có lửa. Thằng Thành chạy đến rồi chạy lui, bảo thầy nói không có.
Tôi bảo tụi con gái quây áo mưa lại thay áo quần cho xon Sá rồi thi nhau xoa ấm cho nó. Đoạn đi đến chỗ thầy Hia đang ngồi trên cống Nậy, xòe tay ra: Thầy đưa cho em cái bật lửa. Thầy Hia trợn mắt: Tôi bảo không có là không có. Tôi trợn mắt to hơn thầy, đoạn giật điếu thuốc lá đang cháy trên tay ông rồi quay đi...
Thầy Hia rú lên: Thằng láo!
Tôi quay lại nói nhỏ: Thầy nên chạy đi, thầy không biết bơi, coi chừng bọn nó dận (dìm) nước thầy chết đó!
Thầy Hia xách xe chạy.
Tôi dùng điếu thuốc đốt cái khăn quàng của con Bòn, đầu tiên nó chỉ bén vào, thổi mãi thổi mãi, nó cháy dần nhưng không bốc lửa, khói lên mù mịt. Trời lạnh có tí khói đã quý, tôi huơ huơ cho khói bay khắp người con Sá, thế mà nó tỉnh.
Hôm sau không thấy thầy đến, thay thầy là cô Thơm. Cô dạy môn lý, tự giới thiệu mới ra trường, làm cán bộ đoàn trường, đối tượng Đảng...
Hỏi: Em nào tên Thịnh? Tôi bước lên: Thưa cô, em! Cô cười khẩy: Đốt không đủ khét mà tướng nhỉ? Tôi dạ. Cô lại nói: Tôi sẽ cùng lao động với các em hết đợt này, còn 9 ngày nữa...Nói cho các em biết, tôi đạt vận động viên cấp 1 bơi lội, em nào muốn bơi thi bơi với tôi. Thằng Thành hỏi: Thưa cô, cô có học môn lặn 3 ngày 3 đêm mới nổi lên không ạ? Cả lớp cười ồ. Cô nghiêm giọng: Tất cả xuống ruộng! Và cô phăm phăm lội xuống trước.
 *
Tôi biết cô Thơm cũng lạnh lắm, nhưng cố không biểu lộ ra mặt. Mỗi lần cô hô đẩy đi, đẩy đi, hàm răng cô lại đánh vào nhau lập cập.
Ruộng nước sâu, bùn nhiều, thỉnh thoảng cái quần phíp của cô lại tuột xuống, cô phải dùng một tay giữ, một tay đẩy, nhưng miệng cô luôn hò hét đẩy đi, đẩy đi…
Bổng dưng cô nhảy phắt lên thuyền, cứ thế nhảy tưng tưng, mặt tái ngắt, tay chỉ chỉ xuống phía dưới…Thoạt đầu bọn tôi không hiểu gì nhưng con Dừng và con Bòn biết, nó bảo tụi con trai lên bờ hết đi, để tụi mình…
Từ trên bờ thấy bọn con gái xúm lại quanh cô, cô Thơm vẫn không ngừng la hét…
Sau này mới hay có một con đỉa đã chui vào chỗ kín của cô, đĩa đói bám dai, bọn con gái phải nhổ hết nước bọt thấm vào mới gỡ được con đỉa ra khỏi chỗ đó.
Công việc cày đò vẫn tiếp tục, cô Thơm dặn cả lớp không được nói với ai là cô sợ đỉa, cũng không được nói với ai đỉa đã chui vào chỗ đó của cô. Không hiểu sao vừa thương vừa giận cô.
*
Làm được 5 ngày thì chỗ đỉa cắn đã phát thành ghẻ. lở loét. Càng lở ra đỉa càng bám vào, khoét sâu hơn nhưng tuyệt nhiên không đứa nào dám nói thành lời.
Giờ nghỉ giải lao, lên bờ, lại thấy chỗ bắp vế cô Thơm máu chảy ròng ròng.
Thằng Thành hỏi: Khi nào thì cô được kết nạp vào Đảng cô? Cô Thơm chân thành: Phải qua nhiều thử thách nữa mới được. Thằng Thành hỏi: Thế thầy Hia đã được vào chưa cô. Cô nói thầy Hia là đảng viên rồi!
*
Đến ngày thứ 8 thì cô Thơm bị sốt nặng không ra đồng được, thầy Hia đến thay. Lúc đó đất đã làm xong chỉ còn việc cấy lúa.
Thầy Hia nói cô Thơm làm cách mạng không có phương pháp. Người chỉ huy không hẳn là người trực tiếp làm việc mà chỉ làm việc chỉ huy. Thế là thầy ngồi trên bờ đốt thuốc liên miên.
Bùn sâu đến đầu gối, nước sâu đến ngực, thành ra đứa nào cũng ngập đến cổ. Muốn cắm được cây lúa phải gần như ngụp đầu xuống. Trời gió mùa đông bắc lạnh thấu xương.
*
Cuối cùng thì thửa ruộng cũng đã được cấy xong, cho dù nhìn lại nước ngập trắng băng, chẳng thấy cây lúa nào. Thầy Hia bảo nhà trường tổng kết, xếp lớp 8 H của ta về nhì trong đợt thi đua này. Nhưng lần sau nếu tôi còn làm chủ nhiệm nhất định không được về nhì mà phải về nhất. Các em có quyết tâm không. Chúng tôi hô quyết tâm, quyết tâm!
Thầy Hia đạp xe đi rôi, cả lớp ôm nhau khóc rống lên giữa cánh đồng mênh mông nước, mênh mông gió…
Thằng Thành to xác nhất khóc cũng to nhất, đến đoạn nó gào lên: Đả đảo Đế quốc Mỹ! Cả bọn gào như điên: Đả đảo, đả đảo!
*
Mùa thu hoạch năm đó, cả lớp đi gặt, đạp lúa rồi phơi phóng mất mấy ngày nữa mới xong. Lớp chấm tôi 14 công, được nhận 2kg lúa. Tôi gói vào vỏ bao xi măng mang về cho mạ. 14 ngày ngâm trong nước, giá rét căm căm, tôi đã gặt hái được thành quả...
 II
Theo thông báo, sau 3 ngày được nghỉ, các lớp lại cơm đùm gạo bới sang Hồng Thuỷ, cơ sở hai của trường cấp 3 Lệ Thuỷ để lao động trồng sắn. Tôi được thầy Hia truyền đạt là phải đi ngay sang giữ ngựa: “Mất thì mày coi chừng!” Thầy Hia đe.
Tôi mang theo ruột tượng gạo và sắn lát khô, cuốc bộ 16 km sang Hồng Thuỷ, tìm đến một bãi cát mênh mông phía sau xã. Người giữ ngựa trước đó tên Thiên bàn giao ngắn gọn: Ngựa vẫn đi được, không vết thương nào. Xong anh ta về.
Hồi đó Trung Quốc tặng các trường cấp 3 ở Quảng Bình mỗi trường hai con ngựa. Chúng tôi không biết để làm gì nhưng nhà trường nói là chúng ta làm theo mô hình của nước bạn.
Thoạt đầu cả hai con ngựa được nuôi ở cơ sở chính của trường ở Xuân Thuỷ., trong một khuôn viên vừa là sân trường, vừa là sân thể thao rộng khoảng nghìn mét vuông. Hai con ngựa đi đi lại lại như làm cảnh. Một thời gian sau con ngựa già lăn đùng ra chết. Con còn lại vì thế được chuyển qua cơ sở hai.
Tôi đứng bên con ngựa, nhìn đồi cát mênh mông, có cảm giác tự do vô cùng tận. Mình tự nhiên như tên cao bồi không có đối thủ.
Sau thoáng ngỡ ngàng thú vị ban đầu, tôi nhìn lại, thấy đồi cát chỉ mọc được mỗi cây rười là cây dân bản địa cắt về làm chất đốt, cây tươi đốt vẫn cháy rần rật, tự hỏi: Con ngựa ăn gì giữa bãi cát này mà sống, làm theo mô hình là mô hình nào và làm để làm gì? Con ngựa dường như hiểu ý nghĩ của tôi, nước mắt nó ứa ra.
Dắt ngựa đi uống nước xong, tôi mở bao tượng gạo, dốc toàn bộ sắn lát khô ra, vốc lên ta cho ngựa liếm, mắt con ngựa rưng rưng cảm động. Ăn xong nó vẫy đuôi, hí lên một tiếng.
Tôi hứng chí nhảy lên mình nó, không có dây cương, cứ túm lấy cái bờm mà phi. Đầu tiên thì nước kiệu, sau nước đại…Cả con ngựa và tôi sung sướng vô cùng.
Lâu sau nó dừng lại, ngoái đầu. Tôi đang hứng thúc mạnh gót chân vào hông. Nó vẫn không đi. Thúc thêm phát nữa thì nó lồng lên làm tôi rơi xuống. Thuận đà nó đá tôi một phát nằm bất tỉnh.
Ba ngày sau, khi mọi người đi lao động, họ tìm được tôi nằm bất tỉnh trên đồi, cát vùi gần hết người. Bên cạnh là con ngựa còm kiệt sức.
Tôi tỉnh lại trong trạm xá của xã Hồng Thuỷ, nghĩ dến khuôn mặt thầy Hia, sợ quá, vùng chạy về trường.
Lớp tôi đang đào hố trồng sắn ngoài bãi cát.
*
Thầy Hia cười cười, chỉ cho tôi khoảnh đất bảo cậu đào đi. Tôi lấy cuốc bổ xuống.
Con Dừng đến nói nhỏ: Đừng đào chỗ ấy, nhiều bom bi lắm đó. Sáng nay mấy thầy bảo công binh bên quân đội khoanh vùng không cho đào chỗ đó. Tôi ngạc nhiên: Sao thầy Hia…Con Dừng nháy mắt, biết rồi, thầy Hia, nhưng cậu đừng đào, sang bên này với chúng tớ…Nó vừa nói vừa giật cái cuốc trong tray tôi.
Tôi và con Dừng đang dùng giằng cái cuốc thì…bùm! Một tiếng nổ inh tai nhức óc vang lên bên cạnh, kèm theo tiếng khóc la. Mọi người chạy đến, thấy con An lớp 8 K máu me đầy mình. Nó cuốc trúng quả bom bi, may mà lưỡi cuốc chắn lại một phần, nó chỉ bị mấy viên bi trúng vào phần mềm, máu me chảy đầy người. Người ta cáng con An đi bệnh viện.
(Con An sau này lấy thằng Thọ cùng lớp, thằng Thọ vào bộ đội biên phòng có biệt danh Thọ Lửa, là thượng tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Khê, sau được điều lên làm Đồn trưởng Đồn biên phòng Cha Lo, đồn biên giới cửa khẩu quan trọng nên được phong hàm đại tá. Mỗi lần bạn bè về nhà vợ chồng nó ngồi nhậu, nó lại bắt con An vạch mông ra cho xem mấy cái sẹo từ vụ bom bi năm đó. Con An cũng nghịch lắm, nó bảo không ai như ông Thọ, đãi khách bằng món…mông vợ!)
*
Những ngày sau đó, cuốc một nhát cuốc chúng tôi lại quay mặt đi như tránh những quả bom bi có thể nổ tung bất cứ lúc nào…Thầy Hia vẫn đi đi lại lại giám sát, miệng thúc giục đào nhanh không đủ chỉ tiêu.
10 ngày trôi qua căng như dây đàn, cuối cùng thì hom sắn đã hết, đợt lao động kết thúc.
Chúng tôi ăn bữa cơm cuối cùng với thịt ngựa, con ngựa còm kiệt sức vì đói đã chết trước đó một ngày nhưng phải chờ cán bộ Sở Giáo dục đến kiểm tra đúng là nó đã chết mới cho làm thịt. Đó là lần đầu tiên tôi ăn một miếng thịt ngựa, thấy khai rình!
Thầy Hia gom hết xương ngựa đêm ngâm xuống khe nước, dùng dao cạo hết lớp thịt bám vào rồi đập nhỏ, phơi trên bãi cát, khô thì mang về. Thầy thông báo cho lớp mỗi đứa nộp 5kg củi khô, cả lớp hỏi nhau không biết để làm gì. Té ra thầy nấu cao ngựa.
Thầy bảo tôi làm lịch phân công trực 3 ngày 3 đêm. Tôi thưa thầy trực chi, thầy nói trực nồi cao ngựa. Đoạn thầy quay lưng, chổng mông thổi phù phù. Lửa bùng lên. Thầy nói, bên Trung Quốc, cao ngựa là nhất!
*
Khi chúng tôi đi học lại, bãi đất trồng sắn vẫn trắng phau. Những cái hom sắn dâm xuống khô khốc, tụi tôi đi nhặt về làm củi.
III.
Chúng tôi được lệnh của thầy hiệu trưởng trở về học tại cơ sở I ở Xuân Thủy. Tôi không nhớ là mình đã học xong chương trình lớp 8 như thế nào, chỉ biết năm đó hình chỉ có tôi đạt học sinh tiên tiến (hồi đó học sinh tiên tiến có điểm tổng kết tất cả các môn trên 6,5. Hầu như không có ai đạt học sinh giỏi). Hè năm đó, chúng tôi lại cơm đùm gạo bới lên Nông trường Lệ Ninh để đào hố trồng tiêu. Lớp trên cùng là sỏi, dưới sỏi là đất đồi bạc màu cứng như đất nung nhưng mỗi ngày mỗi đứa phải đào 12 gốc (1,2m x 1,2 x 0,8). Kỳ lao động 10 ngày, mỗi đứa đào 120 hố, ai đủ thì về. Hồi đó kiếm được cái cuốc cái xẻng đã khó nói chi loại tốt nên việc đào là cả một cực hình. Hai tay tôi rộp lên, vết rộp lột da, chảy nước đau đến tận xương. Vẫn đào. Mỗi ngày nông trường cho thêm mỗi học sinh nửa lon gạo.
Hồi đó lớp tôi có con Thu người ở ngay nông trường, ba mẹ người miền Nam tập kết. Con Thu cao hơn tôi dễ đến cái đầu. Bây giờ có thể gọi là chân dài. Mấy ngày sau, thấy tôi đào vất vả quá, con Thu mượn cho tôi cái thuổng khá sắc nên tôi đào nhanh hơn. Đến bữa ăn nó còn cho tôi ít muối sả với lát cơm nắm. Mấy đứa trong lớp để ý, trêu Thịnh Thu-Thụ Thinh. Tôi ngượng lắm nhưng con Thu thì không, nó khôn sớm và có bản lĩnh hơn tôi. Sau này tôi chuyển sang lớp chuyên không còn học với con Thu nữa. Gặp nó tôi cũng tránh mặt vì lúc đó nó cao dễ hơn mét bảy, tôi thì loại cọt, nhỏ thó. Lâu lâu tôi lại nghe bạn bè kể, con Thu hay khen tôi, lúc thì khen học giỏi, lúc thì khen đẹp trai...Không biết con Thu có nói vậy thật không nhưng trong bụng biết nó có cảm tình với tôi.
Khi về Huế học đại học, tôi nghe nói con Thu làm bên Phòng Tài chính thành phố nhưng không khi nào gặp được cho đến nay.
Thầy Hia để tôi làm lớp phó phụ trách học tập nhưng lại chuyên bắt tôi đi thông báo cho các bạn đi lao động chỉ vì tôi có xe đạp. Thầy vẫn mặc cái áo cổ như là cháy khét lẹt, miệng nhả khỏi thuốc nghi ngút như bát nhang, vẫn nghiến răng trèo trẹo khi nói.
Một đêm, thằng Ngọc và thằng Sinh cùng xóm, cùng tuổi, học cùng khóa chạy ra nhà tìm tôi, vừa chạy vừa hét: Thịnh ơi, thầy Hia chết rồi! Tiếng hét đó ám ảnh tôi nhiều năm bởi nó khác lạ đến rợn người. Tôi không thể cắt nghĩa được.
Thầy Hia chết bom trong hầm của một người đàn bà góa chồng ở Mai Thủy. Bọn nó kể nhiều chuyện nhưng tôi không biết rõ nên không kể lại.